Sự cần thiết trong việc ứng dụng đèn led nông nghiệp vào điều khiển ra hoa trái vụ cho cây Thanh Long
Đối với cây thanh long, năm 1995 ngẫu nhiên có một nhà nông thắp đèn buổi tối ở sân, thấy trụ thanh long gần đèn ra hoa, ra quả trái vụ khác hẳn các trụ ở xa. Rồi từ đấy, phong trào dùng đèn dây tóc 60w – 75w chong đèn cho thanh long nghịch vụ, khống chế hoa cúc ra hoa thành phong trào tự phát. Diện tích thanh long, diện tích trồng hoa phát triển mạnh mẽ, điện cho chong đèn thiếu nghiêm trọng. Thực hiện Nghị định 102/2003/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ năm 2005 Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tìm loại đèn compact có phổ gần với đèn dây tóc và đã kết hợp với các trang trại hoa cúc ở phía Bắc, với Hiệp hội hoa Đà Lạt, Trung tâm SEDEC, Hội nông dân Bình Thuận, thử nghiệm và vận động sử dụng đèn compact 2700oK thay thế đèn dây tóc trong chong đèn điều khiển ra cây hoa cúc, cây thuốc lá, thanh long trái vụ ở Miền Bắc, Bình Thuận và Lâm Đồng, giảm được ít nhất 2/3 điện năng tiêu tốn. Cho đến nay, một số ít trang trại đã sử dụng 100% đèn compact. Nhưng phổ biến ở các địa phương vẫn giữ tỉ lệ 30% dùng đèn compact, 30% dùng một nửa đèn dây tóc, một nửa đèn compact và còn khoảng 30% vẫn dùng đèn dây tóc.
Theo công bố mới đây của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam EVNSPC, lượng sử dụng đèn dây tóc còn rất lớn. Chỉ riêng chong đèn cho 25.000 ha thanh long ở ba tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hiện nay vẫn còn sử dụng tới 14 triệu bóng đèn sợi đốt. Nếu thay thế nốt số đèn sợi đốt này bằng đèn compact 20w-2700oK, chỉ tính hệ số sử dụng 0,7, giá 1.340 đồng/KwH thì tổng số tiền tiết kiệm hàng năm về điện chong đèn cho thanh long tới 280 tỷ đồng/năm (Công bố EVN trên Báo Công thương số 73 ngày 18/6/2014).
Sản lượng điện thương phẩm sử dụng cho thanh long Bình Thuận tăng bình quân 18%/năm, nhưng từ 2012 – 2013 đã phải tiết giảm 50% công suất phụ tải để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn.
Vấn đề đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nông sản phục vụ xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu trong đó mặt hàng hoa, quả đang làm gia tăng quy mô sử dụng ánh sáng nhân tạo trong trồng hoa cúc và thanh long trái vụ. Tuy nhiên quy trình điều khiển ra hoa theo ý muốn cho các cây trên đang được diễn ra một cách tùy tiện, rất lãng phí năng lượng, thậm chí không có đủ điện để phục vụ sản xuất thanh long xuất khẩu trong tình trạng bùng phát phát triển thanh long hiện nay. Khi mà thanh long được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xác định là trái cây xuất khẩu chủ lực số một trong số 11 loại trái cây có lợi thế cạnh tranh ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam có sản phẩm hoa xuất sang Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và một số nước trong khu vực, trong đó khoảng 30% là hoa cúc. Tuy nhiên số lượng chưa nhiều do cây hoa Việt Nam chưa đáp ứng đủ các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Trong quy trình trồng hoa cúc xuất khẩu, bên cạnh các yếu tố về giống, dinh dưỡng, môi trường và chăm sóc, chiếu sáng cũng góp phần quan trọng trong việc sản xuất hoa thương phẩm chất lượng, đáp ứng chỉ tiêu xuất khẩu. Xác định đúng loại phổ ánh sáng, loại đèn, thời gian và thời điểm chiếu sáng sẽ góp phần bảo đảm được chất lượng cây hoa, đồng thời rút ngắn thời gian chiếu sáng và giảm điện năng tiêu thụ, đồng nghĩa với việc giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Nguồn hội thảo Cần Thơ 2014
Tin mới
- Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng đèn led nông nghiệp - 14/07/2015 14:32
- Tác động của ánh sáng đối với cây nông nghiệp - 03/12/2014 08:56
- Kinh nghiệm sử dụng đèn led nông nghiệp điều khiển ra hoa trái vụ cho cây Thanh Long - 07/10/2014 07:26
- Trồng rau, củ quả bằng phương pháp Khí Canh - 30/09/2014 03:03
- Tại sao ánh sáng của đèn led nông nghiệp lại có màu xanh và màu đỏ - 18/09/2014 05:06